Đời gạch

Người có đời người. Gạch cũng có đời gạch.

Sau khi qua lửa nóng, bột đất vô danh trở thành Gạch. Từ đó, Gạch được con người tin dùng.
Không hiển lộ. Không tên riêng, tuổi riêng. Không biết nói, không biết chọn chỗ cuộc đời mình…, nhưng Gạch có tâm tánh.

Vô tri nhưng mang bao cảm xúc cho người, vì tánh lành của Gạch.

nguyentuonglinh
2.1.2018
4H 2

Viên gạch

Chiều nay khi trở về nhà, bạn hãy nhìn mái ấm của mình. Căn nhà thân yêu đã được xây lên bằng những viên gạch. Những viên gạch được ẩn giấu dưới lớp vôi, nên bạn không để ý.
Viên xây trước ở dưới, viên xây sau ở trên. Từ khi không còn là cục gạch riêng lẻ, mỗi cuộc đời gạch biến mất để trở thành bức tường.
Tên gạch không còn, nhưng đời gạch vẫn còn đó. Có ai đó vẫn sống cùng gạch, thì đó là bạn. Có ai đó đang sống cùng bạn – đó là những viên gạch.

nguyentuonglinh
1.1.2018
4H 1

25 năm, một chặng đường

(Trích lại bài phát biểu, trong lễ chuyển giao thế hệ ngày 22.11.2014 tại Cty Cao Su Việt)

Thân mến chào tất cả mọi người,
Lời quan trọng nhất tôi muốn nói, đó là gởi lời cảm ơn, trân trọng gởi tấm lòng biết ơn đến tất cả cộng sự, đến những người thân yêu đã đồng cam cộng khổ - cùng tôi vượt qua những chặng đường, đôi lúc tưởng chừng đã dừng lại.

Cầu chúc mọi người hạnh phúc và luôn nhiều sức khoẻ.

*

Hôm nay cũng nghĩ đến những người trẻ - đã làm bạn cùng tôi. Các bạn đã chịu đựng cái tánh khó chịu của tôi. Các bạn đã cam chịu những thử thách mà Ông Trời đã bày ra cho tôi. Cuộc chơi có vẻ không vui thú gì. Khó khăn nhiều hơn thuận lợi.
Nước mắt nhiều hơn nụ cười... Thế mà, chúng ta vẫn về tới đây, hôm nay ngồi bên nhau - tràn ngập thân tình và hạnh phúc.
...

Thưa các bạn,
Từ ngày đầu tiên, gần tuổi 40, sau những ngày rong chơi lạc hướng, tôi đã "muốn làm một cái gì đó". Mới đây, mà bây giờ đã gần 25 năm. 25 năm cho một đời người và cũng là một phần đời của Công Ty Cao Su Việt.

Yêu điều gì, thì thời gian trôi đi rất nhanh.
Một chặng đường như vậy, như mới hôm qua, luôn chỉ biết đi tới. Chính vì điều ấy, mà sự lạc quan luôn đồng hành - để rồi, hôm nay kết luận: Sự lạc quan, chính là một trong những nguyên nhân thành công. Sự lạc quan không phải tự nhiên mà có. Sự lạc quan sinh ra từ công việc, những công việc dù vụn vặt, nhưng luôn tận tâm tận lực, chăm chút, luôn đầy ắp năng lượng SÁNG TẠO. Không phải những điều lớn lao làm cho người ta HẠNH PHÚC, mà chính những việc bé nhỏ. Luôn suy nghĩ mới, làm mới ngay những việc thường ngày.
Đó là bài học thứ nhất. Yêu việc nhỏ đang làm và luôn sáng tạo - là hạnh phúc.
 
Bài học thứ hai, xác định mình phải là người thiện tâm.
Mình là ai. Mình phải và luôn phải là NGƯỜI THIỆN TÂM. Nếu mình lành, những người lành mới kết bạn. Suy nghĩ minh bạch, hành động minh bạch, luôn yêu những giá trị nhân văn. Biết làm những việc vừa sức, để có thể đạt được kết quả cao nhất. Đó là trách nhiệm xã hội. Mình cho xã hội điều gì, mình nhận lại điều ấy. Khách hàng nhận điều gì, mình sẽ nhận điều ấy. Người thiện tâm là người luôn khiêm cung và biết ơn.

Bài học thứ ba, luôn suy nghĩ khác biệt, hành động khác biệt.
Sản phẩm khác biệt, đó là con đường tránh va chạm, tránh cạnh tranh. Khi sản phẩm vừa ra đời, đã có vị trí độc nhất. Càng hoàn thiện, càng thiện nghệ, càng khác biệt. Đó là một giá trị. Điều gì có giá trị, điều ấy tồn tại.
Thí dụ một chuyện khác biệt: Không chạy theo quy mô bề rộng, mà hãy theo chiều sâu. Bởi, chiều sâu của mọi thứ là một thế giới vô cùng. Ở đó luôn là khác biệt.

25 năm tôi cảm nhận được 3 điều đó.

*

Tôi biết, đến lúc nào thì dừng lại. Hôm nay. Dừng lại.

Tôi muốn chuyển giao lại cho thế hệ thứ 2 - không phải cho một người - mà dành cho tất cả những cộng sự thân thiết của tôi.
Không phải tôi chuyển giao nhà máy - mà mong là gởi lại cái tinh thần lạc quan, trầm tĩnh, kiên trì, cháy bỏng với công việc. Luôn cháy với công việc.
Yêu mình. Yêu người.

*

25 năm xây dựng chưa được bao nhiêu.
Những năm tiếp theo, tôi mong đợi sự mạnh mẽ, trẻ trung của các bạn.

Cuối cùng, như một quy luật - những người thành đạt đều là những người có sức khoẻ. Tôi chúc mọi người nhiều sức khoẻ. Tôi chúc mọi người hạnh phúc.

Hôm nay, tôi tuyên bố chuyển giao quyền điều hành công ty cho thế hệ thứ 2.

Xin cảm ơn mọi người.

***




Một vài hình ảnh về Công ty Cao Su Việt: HÌNH ẢNH CTY CAO SU VIET


Cao Su Việt đã chuyển giao quản trị cho thế hệ thứ 2.

Ngày 22/11/2014, Cty TNHH Cao Su Việt, công ty sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật từ Polyurethane và cao su, đã tổ chức lễ chuyển giao quyền quản trị công ty cho thế hệ thứ 2 thành công tốt đẹp.

Ông Nguyễn Tường Linh, thế hệ thứ nhất, 1990-2014
chuyển giao cho Bà Nguyễn Liên Hương, Giám đốc công ty - cùng Ban Giám đốc:

Ông Lê Đình Quyết, Giám đốc điều hành
Ông Huỳnh Thanh Tâm, Giám đốc công nghệ
Ông Nguyễn Kim Ngọc, Giám đốc sản xuất
Bà Nguyễn Thị Phước, Giám đốc nhân sự

tiếp nhận trực tiếp điều hành công ty.

Nhân dịp này, các thành viên của Hội đồng Công ty đã thống nhất:
Ông Nguyễn Tường Linh, Chủ tịch sáng lập, tiếp tục giữ chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị.

Buổi lễ được tổ chức đơn sơ, ấm cúng và thân mật - thấm đượm tình cảm gia đình.

(Trích thông cáo báo chí).


Cảm ơn cuộc hạnh ngộ này

Thư cảm ơn
Gởi các cộng sự

Chào các bạn,
Qua mấy ngày cùng nhau nghiên cứu Phong cách Công ty, tôi gởi lời cảm ơn đến mọi người. Cảm ơn vì đã giúp tôi thấy nhiều điều, mà trước đó chưa một lần cảm nhận.

Có những “bài thu hoạch” rất ngắn gọn, đơn sơ chỉ vài câu:
“… Dù lớp học có mấy buổi, nhưng những điều con nghe thật lạ lẫm. Con chưa hề nghĩ rằng, cuộc sống quá đơn giản như vậy. Thế mà, con đã rối quá, đôi lúc bế tắc và chỉ muốn bỏ việc. Bây giờ, hình như con đang thấy một cái gì đó... rất khác. Con đang bắt đầu lại từng chút một đây…”
“... Đôi lúc con nghĩ là mình bị bỏ rơi. Nhưng, thật kỳ lạ, bây giờ con hiểu: mình đã tự bỏ rơi mình. Sao lại như vậy…”.
Đúng. Cuộc sống thật đơn giản.
Vì ở kế bên, quá gần, nên không nhìn thấy.
*
Cây bông giấy trước nhà máy, đã tựa lên bức tường mà lớn lên. Lên tới Trời chắc? Không, chuyện lên cao nữa, bức tường không thể. Bức tường chỉ cao tầm đó.
“Cũng giống như mẹ, cha. Sức già, với những đồng tiền nhà quê chỉ cho con học đến đó. Từ đây, con phải biết “tự” mà đi. “Tự”, có nghĩa là luôn song hành với mọi người bên cạnh. Họ nương vào con và con nương vào họ. Một đôi khi, thấy mình là quan trọng – nhưng bài học con gà/quả trứng – mẹ/con – sáng/tối - như nói rằng: Cái này có, cái kia có. Người này luôn là chỗ dựa của người kia”, chịu ảnh hưởng nhau. Mọi thứ xảy ra đồng thời.
Là chỗ dựa (khi mỏi), chớ không phải “chỗ, để mà mình luôn luôn dựa vào”.
“Ấm trà phải sạch sẽ. Ấm làm bằng loại đất gốm đặc biệt, giữ nóng được lâu. Đất đã chịu đau, bị nung ở nhiệt độ mấy nghìn, hóa thân thành GỐM, thành chiếc ấm trà vững chắc, nhẹ hơn… Lại trang điểm thêm một vài bông hoa … Tự ấm phải làm cho người dùng thích. Thích vì có lợi. Người dùng cảm thấy xứng đồng tiền bỏ ra: đẹp, giữ được nóng, hợp thời hợp cảnh, tiện dụng…
Nước trà ngon, nhờ trà, nhờ người hái trà, nhờ nước đúng chuẩn, nhờ người pha…
Tự ấm, tự nước… đã có “những cái rất riêng”. Khi cái này gặp cái kia, sức mạnh nhân đôi. Nếu thiếu một, dù chỉ một, sẽ không có tất cả.
Dựa, nhưng nếu mất chỗ dựa bất ngờ, không ngã - mới là dựa.
Vậy thì, tự làm cho mình mạnh lên, không đơn giản là kiếm được cái sống, mà còn thoát khỏi sự va chạm luôn khắc nghiệt. Vâng, cuộc sống luôn khắc nghiệt. Những cái giống nhau luôn va chạm, hại mình, hại cái khác. Để bớt tổn hại, mỗi thứ phải vượt nhanh lên phía trước, vươn về phía khoảng trống chưa có ai – như cành cây, chiếc lá, như cái rễ chui sâu…

Nhìn cây Ngọc Lan trước sảnh, thấy được bao điều.
Sự sung mãn, tràn đầy nhựa sống được bắt đầu từ gốc. Hồi xưa, cây chỉ là một mầm nhỏ.
Gốc vững vàng với đất đầy chất bổ dưỡng. Rễ luôn tìm được nước. Nước là chiếc xe chuyên chở mọi thứ nuôi cây. Cành lá không biết từ đâu mà sinh ra. Sinh ra từ nụ nhỏ bé xíu. Mọi cành lá xum xuê đều từ trong mà ra. Mọi thứ đều bắt đầu từ cái rất nhỏ bé... Nụ mạnh khỏe, cành mạnh khỏe. Chăm chút cái nhỏ bé bây giờ, ngày mai có kết quả lớn. Cái nhỏ dễ làm. Điều nhỏ dễ kiểm soát.
Nước, cũng như tiền, chỉ là chiếc xe chuyên chở mình đi. Nước đi, chất bổ dưỡng đi theo… Nước ở một chỗ là nước chết, đôi lúc gây hại.
Tiền. Tiền là chiếc xe chở người qua từng đoạn ngắn, một phần rất mong manh trong chuyến đi dài.
Đôi khi tự hào, hãnh diện vì được ngồi trên chiếc xe sang trọng. Thật ra, không ai ngồi mãi trên xe. Đôi lúc, chỉ có một mình mò mẫm trong bóng tối, vực sâu. Lúc bấy giờ, lúc mà đã mất hết tất cả bạn bè, người thân…, trắng tay – chỉ còn có “sức”. Sức mình. Sức và Trí.

Ngẫm nghĩ mà thấy, không phải nhìn mà thấy là, đừng bao giờ đi kiếm tiền và càng không nên khư khư giữ lấy đồng tiền.
Người hạnh phúc là người luôn quan sát mình, luôn mài giũa “cái nhìn”. Bi kịch luôn xảy ra khi đầu óc bị tối tăm, hoảng hốt. Một ai đó đã nói: “Nhiều người đi qua nhìn, ngó - vài người đi qua nhìn, thấy”. Phải chăng “cái thấy” đã dẫn các hành động của chúng ta đến kết quả mong muốn. Cái thấy đã giúp thành công trong công việc. Thông thường, tiền bạc là mặt sau của thành công. Sáng tạo, dù là một cải thiện bé nhỏ cũng luôn hạnh phúc. Mặt sau của hạnh phúc là tiền.

Thế gian luôn quý trọng những người tài giỏi và thiện tâm.
Tạo hóa luôn “giao việc”cho những người tài giỏi, đức hạnh. Có việc, là có tiền.
Đôi khi khư khư ôm lấy thành công cũng là điều nguy hại. Ôm lấy những thành tựu, cũng như khư khư giữ tiền trong tủ. Vừa có thành tựu thì thường phải mất. Tiền đến, hãy chuyển ngay nó đi… Hãy chuyển nó thành một giá trị mới.
Thành công cũng chỉ là trải nghiệm. Những trải nghiệm, nếu chuyển thành dạng “năng lượng”, nó sẽ linh hoạt, biến hóa, nhân lên. Năng lượng, đó là lửa.

Người có lửa dễ thành công. Người làm việc nhiều, lửa nhiều. Người có lửa nhiều, làm việc nhiều.

*

LUÔN HOÀN THIỆN, đó là luôn quan sát mọi việc nhỏ bé đang làm.
Từ đây, “thấy” được những cái khó chịu và “biết” bỏ nó đi.
Cái khó chịu ấy làm khó mình, làm mình không phù hợp với xung quanh.
Bất hạnh lớn nhất là cảm thấy lẻ loi, đơn độc.
Hạnh phúc lớn nhất là khi mình cảm thấy thanh thản, tự tin, không sợ hãi điều gì. Luôn thấy mình hòa nhịp với xã hội, với thiên nhiên. Luôn có mối giao tiếp hài hòa với xung quanh, với trên, với dưới, với công việc.

Hạnh phúc lớn nhất là luôn quan sát những việc đang làm, những việc rất nhỏ. Như một khán giả, hãy quan sát mình. Mọi vui buồn đều ở người diễn, không phải mình. Có thể với cách đó, mình sẽ bớt khổ hơn, nếu không may gặp phải việc không vừa ý.
Hãy chọn cách “diễn” tốt nhất có thể được… Tương lai sinh ra từ đây.
Phải chăng, luôn hoàn thiện là một cách để tồn tại, để mình không bị loại bỏ.

Không đi quá sớm, nhưng luôn là người đi đầu. Không đi quá trễ, luôn là người đến đúng lúc. Đến đúng lúc, là đến trước một chút.
Không nên quá lớn để nắm không chắc. Đừng để quá bé, để bị lạc mất. Nếu mà cứ lớn dần từ trong, nhưng thân cây có nhiều vân gỗ - Thời gian thôi, mỗi năm lại thêm một vòng vân gỗ. Cứ vậy, từ trong mà sinh ra…

Vậy thì, LUÔN HOÀN THIỆN không phải thêm vào từ ngoài, mà lớn lên từ trong.
Đúng là “lớn lên” như một thiếu niên. Cái lớn thêm đó, do trải nghiệm, do quan sát từ chính mình và hợp với mình.

Tre sinh ra từ gốc. Bông hoa nở ra từ trong cây. Cây cỏ tỏa hương từ trong. Bánh xe cao su căng lên cũng từ trong… Cái trống, cây đàn guitar luôn nhờ cái gì đó trống không, không chứa điều gì (mà luôn sẵn để dùng).
Tiếng chuông vang xa hàng dặm cũng từ trong bụng trống không. Hễ có điều kiện, chuông vang lên. Những tiếng chuông nghe cũng khác nhau. Cũng lạ.

*

Người xưa rất coi trọng cốt cách.
Người xưa rất ngại người nói nhiều.
Vậy nên, để “có tiền”, cần phải có năng lực về nghề nghiệp. Nghề nghiệp bao gồm chuyên môn kỹ thuật, năng lực giao tiếp, năng lực “thấy” xung quanh. Nung nấu để có tấm lòng. Thiện tâm cũng là một năng lực.
Kỹ năng giao tiếp thượng thừa, là “giao tiếp không giao tiếp”. Nghĩa là, khi đã có tấm lòng chân thực, có khả năng thực, có ý muốn thực…, thì tự nó phát ra.
Hãy tâm niệm: Cái lợi của khách hàng là trước hết.
Ai cũng yêu điều thực. Khách hàng cũng vậy. Khách sẽ cảm được, và nhận biết đúng khả năng mà mình có. Khách sẽ mua (nhận) đúng cái họ cần.
Cuối cùng, “doanh số” tăng lên từ đây.
Doanh số về mình, dù một đồng - là đã thắng trong cạnh tranh giành lấy một đồng.
Tự mình rèn, tự mình luyện, tự làm cho mình giỏi lên. Tồn tại mà không gây tổn thương ai: Đó là CẠNH TRANH KHÔNG CẠNH TRANH.

*

Điều gì chúng ta hay quan tâm nhất?
Đó là sức khỏe và “thành công”. Thành công chỉ có khi tự tin. Tự tin chỉ có khi có năng lực. Năng lực chỉ có khi có tâm ý cầu tiến bộ. Hãy học, hãy quan sát và “chọn” từng chút một.
Với công ty, dù việc rất nhỏ đều cần bằng chứng. Bằng chứng, đó là mầm. Muốn có hạt lúa, thì phải gieo đúng hạt lúa giống - hạt giống tốt.

Công ty và Người - không khác nhau.
Sức khỏe và thành công luôn hòa lẫn. Hòa lẫn đến nỗi người ta không xé làm đôi được. Hai thứ ấy dính vào nhau, y như hai mặt của một tờ giấy.
Hai thứ ấy khi nhập lại, có tên khác: Hạnh phúc.
Hai thứ ấy, lại dính cặp đôi với một thứ khác nữa: Đó là CHO VÀ NHẬN.
CHO VÀ NHẬN. Cho và nhận rất khác nhau như Đông và Tây, tối và sáng, trái và phải. Nhận luôn dễ dàng và cho thì khó.
Tuy vậy, thu vào lại vô cùng khó; mất đi – cũng là cho - lại rất thường tình.

Những quy ước từ ngữ có vẻ không thể rành rọt mọi vấn đề, đôi khi trái ngược nhau dưới mắt nhìn của người này người khác.
Nhưng, có một thứ tương đối rõ ràng hơn, đó là thế giới được chi phối bởi các định luật bảo toàn, các quy luật cân bằng - luôn nhỡn nhơ trước mắt, lại luôn bí ẩn. Tất cả mọi thứ trên thế gian này luôn bị phá vỡ thế cân bằng và luôn hối hả quay lại chỗ cũ. Mà chẳng bao giờ còn chỗ cũ ấy.

Người Mẹ suốt một đời vất vả dành cho con, cho tất cả. Những gì nhận lại mấy ai để tâm. Bình trà luôn rót nước đi và lại cứ đầy rất đổi bình thường. Người thầy trải lòng mọi thứ, để người nghe thấy rằng – cuộc đời như thật – những lần ngã xuống không đau như nhau…
Khi người ta hiểu mỗi khi bị ngã thì đau như thế nào, thì khi đứng được - thật hạnh phúc. Sống cuộc đời bình thường thật hạnh phúc.
Khi chúng ta hiểu, mỗi lần tổn thất là mỗi lần đi học, là đầu tư, thì sẽ trân quý những gì đang có. Thành công ở sát bên những thất bại, ở trong thất bại. Chỉ là quay lưng lại – là thấy… Chỉ bình tâm là thấy.

Khi nào, người ta không thể phân biệt đâu là thất bại, đâu là thành công, đâu mất đâu được, thì sẽ bình yên.
Khi người ta không thể phân biệt đâu là cho, đâu là nhận – lúc đó người ta có thể quên mất khái niệm HẠNH PHÚC. Hạnh phúc đã là một thứ gì rất đỗi bình thường…

*

Chào các bạn,
Trên đây là khái quát từ các bài thu hoạch đã gởi đến tôi.
Có những bài thu hoạch, đọc rất cảm động. Tôi đọc đi đọc lại.
Cảm động không phải vì văn, mà vì thấy “cái gì đó rất khác” trong văn.

Giá như mà, mọi người chúng ta ai cũng cho rằng:
Cẩn thận, cẩn thận từng chút một. Luôn giữ bằng chứng. Luôn học tập để mọi suy nghĩ, hành động được chính xác. Luôn quan sát, để thấy rằng, mình giỏi có người giỏi hơn - mình khổ có người khổ hơn – luôn nghĩ khác biệt, luôn làm khác biệt theo hướng hoàn thiện. Khác biệt, nhưng luôn hợp với xung quanh. Đó là tất cả.
Dù khó khăn đến mấy, sự an lạc vẫn là bí quyết để thành công. Thanh nhàn giữa những khó khăn.
Yêu mình, yêu Người, yêu thiên nhiên – đó là mật pháp của sức khỏe. Yêu việc – chìa khóa hạnh phúc.

Mọi thứ đều đơn giản: Không nên lấy không của ai điều gì, dù đó là thiên nhiên. Cho và Nhận đã thành quy luật.
Cảm ơn bạn. Cuộc hạnh ngộ bạn và tôi, thật lạ thường.

nguyentuonglinh
01/4/2014

CẠNH TRANH VỚI MÌNH

(Viết cho những người cộng sự) 

Một cái cây, dù lớn hay nhỏ luôn biết cắm sâu vào đất để tìm thứ nuôi mình. Hạ xuống, tìm cách đứng vững là cách phổ biến mà thiên nhiên đã làm. Ở trong đất, ngoài nước tinh khiết, không phải mọi cây cỏ đều quan tâm các chất dinh dưỡng như nhau. Mỗi cây luôn tìm thứ mình quan tâm, hợp với mình. Đó là cơ chế giữ cân bằng cho mọi loài. 

Một cái cây cũng biết vươn lên trời xanh. Cây thường tìm những khoảng trời còn trống để đâm chồi, nở lộc. Luôn tìm chỗ trống. Luôn nghiêng về “nơi lành” có dòng sông, có không khí dịu mát và ánh sáng. 

Con người, một doanh nghiệp… cũng là những cơ thể sống và thật giống với thiên nhiên trong quy luật tồn tại. Quy luật muôn đời những tưởng là cạnh tranh sống mái một mất một còn, đấu tranh tiến hóa, loại bỏ để tồn tại. Đâu ngờ luôn có đối trọng với điều ấy – cái này tồn tại, cái kia tồn tại. 
Đôi khi ánh sáng rực rỡ xua đi bóng tối, nhưng chính xác hơn, dù ánh sáng có nhiều bao nhiêu thì chung quanh vẫn là bóng tối phủ đầy. Thứ bóng tối khó chịu đó, làm cho ánh sáng có mặt. Cuộc tồn tại song hành này, là một cơ chế tự vận hành mà Tạo hóa đã mặc định. 

Không va chạm – đó là một thái độ loại bỏ - loại bỏ cái mình không va chạm. 
Không quan tâm – đó là cách loại bỏ - loại bỏ cái mình không quan tâm. 

Bóng đá, bóng chuyền – thứ do con người tạo ra, cũng sử dụng quy luật khoảng trống. Trái bóng bay đi, như thay mặt con người, thay mặt ý nghĩ và hành động. Nếu trái bóng bay đến những nơi mà đối phương không chiếm chỗ, phần thắng nắm được trong tay. Có lẽ nào, tuyệt đỉnh của bóng đá là chuyển bóng vào chỗ không có đối phương. Quả bóng đã thường ghi bàn cho mọi lần như thế. 

Trong một bàn cờ tướng, tìm ra những vị trí trống hoặc "sẽ trống", mà bạn cờ không với tay tới, đó là những nước đi phóng khoáng, chiến đấu mà như chơi. 
Trong thể dục dụng cụ hay nhảy cao, điều lạ lùng nhất – chỉ biết rèn luyện mình – chỉ biết hoàn thiện mình thôi – không va chạm – thường là con đường đến chiến thắng. 



Trận chiến với chính mình – cuộc chiến khó khăn nhất mà xưa nay được ghi chép. Đó là một cuộc chơi tự do, bình thản, an lành. 
Không có cuộc cạnh tranh nào. Chỉ có cuộc cạnh tranh với mình. 

Cạnh tranh với mình, không phải cạnh tranh, mà đơn giản chỉ là sự chọn lựa. Cứ chọn chỗ trống mà đi. Cứ chọn điều mới mà làm. Cứ chọn điều lành mà thụ hưởng. Khỏe thì tiến lên. Mệt thì dưỡng. Đôi khi dừng lại cũng là đi. Dừng lại để đội ngũ ổn định. Dừng lại để đầu óc bình lại. Mọi việc được kiểm soát, thấy rõ… đã là đi tới. Dừng lại đúng lúc cũng là đi tới. 
Dừng lại, như nước trong ao, từ từ trong vắt. Tâm tư nặng trĩu rồi cũng yên tĩnh. 

*

Những khoảng trống tạo nên để gió bay đi muôn phương và người còn nơi sáng tạo.
Những khoảng trống để có nơi thay đổi, là nơi đi tới.
Là nơi để mình mạnh lên.

Chính mình cần cạnh tranh với mình trong những khoảng trống.

nguyentuonglinh 
3/12/2013









Nơi mình ở

Viết cho người cộng sự.

Tản mạn về nơi sống

Nhìn cảnh người phải leo lên nóc nhà, tránh dòng nước lũ cuồn cuộn bao vây hung hãn; nhìn một người tái nhợt do trúng độc từ rau cỏ..., trong lòng bao lo lắng về những hạnh phúc giản đơn, những cuộc sống thanh thản.
Nơi đường hầm lạc lối, một chút ánh sáng luôn là hy vọng. Khi đã dư đầy mọi thứ, lại thèm một bữa cơm chiều đạm bạc với người thân. Một chút nắng, một chút thân tình, một chút sức khoẻ - có khi không còn tìm được. Thấy đó mà không sao với tay tới.

Thèm khát một nơi mà con trẻ có thể đùa giỡn trong nắng. Thèm một giây thôi để thăm hỏi mẹ già. Mọi thứ ở không gian lại biến thành thời gian. Mọi thứ kiếm ăn lại lẫn qua nhân văn. Một hành xử nhỏ, một việc cỏn con này lại sinh ra một thứ khó khăn khác ở một lãnh vực xa lạ. Nơi xa lạ, không chỉ là nơi chốn. Nơi, mà lại là lúc, lúc phải bỏ tất cả những gì quý giá nhất.

Môi trường là nơi đã chở những lời tỏ tình của người này đến người khác. Không gian đã chứa, chứa chan những tình yêu của mọi loài, mọi vật dành cho nhau. Nơi ấy, cũng trình diễn mọi vở kịch bi hài mà con người đã diễn xuất thần, đã diễn tận lực trong quá trình đi tìm “hạnh phúc cho riêng mình”.

Chúng ta “vừa sinh ra là lên đường” đi tìm hạnh phúc cho mình, như là quy ước. Quy ước như đến rằm trăng tròn, đến hè rực nắng. Nhưng hạnh phúc cứ ở trước mặt... Đến hè nắng không lên, đến đông mưa không tới. Lúc không chờ lại đến, khi không mong lại về. Mọi thứ có, khi không cần. Khi cần, không có.
Một lời thân tình khi cần lắm cũng không. Một chút nước đôi lúc cần uống cũng không. Muốn tắm mưa lại sợ bệnh, muốn nói lời ái ngữ lại sợ... khó nghe. Món ăn thanh đạm cũng khó tìm.

Nơi mình ở trở nên xa lạ. Con đường, dòng sông trở nên xa lạ. Chính mình vô ý, mấy mươi năm sống ở đó, mà không quan sát chung quanh, như một vị thiền sư đã viết, "mấy mươi năm sống bên mẹ - mà không nhìn rõ mặt mẹ".

Mình đã lấy củi để “đốt cái lạnh” cho nóng lên. Vì cần cái lạnh, mà “đuổi cái nóng”... Không gian rộng lớn như một bà mẹ - luôn là tổng hoà, đựng và chịu đựng mọi thứ. Mọi ngỗ nghịch của đứa con yêu dấu, mọi hư hỏng của đứa con ngoan hiền, cánh bay của con dù bay khắp thiên hà..., vẫn là loanh quanh trong trái tim mẹ. Mọi thứ đều trong tầm quan sát của mẹ, trong tình yêu của mẹ. Môi trường là thế, thiên nhiên là thế. Thiên nhiên là người mẹ vĩ đại.

Nơi ở là nơi trải nghiệm hạnh phúc mọi loài. 
Nơi ở là nơi sinh ra, sống và là nơi trở về an nghỉ thanh nhàn.
Nơi ở là nơi sinh, sống và về.

nguyentuonglinh


29/9/2013

TIẾT KIỆM

Viết cho người cộng sự

Nhiều và ít
Thêm một chút muối cũng là dư
Bớt một chút đường cũng là thiếu
Mưa ngập đường không còn lối về cũng là ít
Thêm một ánh mắt giận dỗi cũng là quá nhiều.

Thời gian vô tận đâu phải nhiều
Và vì thế, tiết kiệm thời gian là  tăng thêm thứ khác
Và vì thế, kiệm lời là dồn ý tưởng cho một lần có thể.

Tiết kiệm cái này là tăng cái kia
Tiết kiệm cái này là giảm cái kia  
Và như thế, "cái khác" luôn không là cái khác.

Tối thiểu đã làm hỏng tình yêu
Tối đa đã làm cho thô thiển
Ngọt trong mặn và mặn trong ngọt không là như nhau.

Thiếu dư thừa, gió không làm nên bão táp
Thiếu câu thừa, không làm nên  giận dữ
Nhưng - Lạnh vừa đủ làm mùa thu thêm ấm.

Chừng đó thôi nhưng rượu này uống được
Chừng đó thôi, ánh mắt này đủ nhớ
Chừng đó thôi, một chút nắng bên thềm.

Và không biết đâu nhiều đâu ít
Chẳng biết đâu phải  là lúc để dành
Dồn hết vốn cũng là lần tiết kiệm.

Sống thực sống cũng là lần tiết kiệm.

nguyentuonglinh
10/9/2012

Lợi nhuận


Vốn

Vốn là mọi thứ mình có thể tạm dùng để đưa cuộc sống đi theo một ý định.
Vốn gồm những thứ cân đong được và không.
Vốn gồm những thứ thấy được và không.
Vốn là những thứ của mình và không của mình.
Công cha nghĩa mẹ, sư phụ bạn hiền, sương gió và đủ mùi vị cuộc sống đã và sẽ góp vốn cho người.
Công đức, Phước đức bao đời đã góp vốn cho người.
Hành vi ứng xử tức thời tạo nên động lực, cũng là một thứ góp vào trên đường đi tới.

Lợi nhuận

Lợi nhuận có thể là con chữ, là ngộ nhận.

Vốn, chi phí, tiền lời như thể quá khứ, hiện tại, tương lai - Có thật và không có thật.
Trải nghiệm như cuộc chơi tổng lực, như môn thể dục rèn luyện thân thể và tâm hồn. Ở đó, không quan tâm đến cái gì là vốn, nhưng luôn được thu về.

Mọi thứ đều là VỐN vì nhân duyên, thiên thời, địa lợi đều dự phần,
Mọi thứ đều là LỢI NHUẬN vì từ lúc nhận biết được hương vị cuộc sống ta không có gì,
nên,
cứ quên đi khái niệm vốn và lời cho tâm trạng thanh thản,
cứ tận lực nhận biết cuộc sống ngập tràn thú vị,
cuộc sống như phim - chiếu qua tuần tự.

Thản nhiên thu nhận những trải nghiệm, đôi khi quá sức chịu - để rồi lại tiếp tục ngắm nhìn...
"... ngắm nhìn và hạnh phúc được thấy."

nguyentuonglinh

1/9/2012


Sự đều đặn

Nếu có những vị Thần quyền lực vô song, thì "Sự đều đặn" là một ÔNG như thế.
Cho đến ngày nay, các nhà thông thái đang từng bước tìm ra phần nào bí ẩn của THỜI GIAN. 
Họ tò mò xem THỜI GIAN có thật hiện hữu không, mà sao con người bị nhốt vào trong đó. Thời gian là một cái lưới mềm dẽo không phải cứng ngắt.
Tính mềm đó là một trong những tố chất bất bại.
Cũng vì thời gian không bám giữ cái gì làm riêng, không dừng lại - nên con người phải tìm cách cho nó có hình dáng, gán cho nó một TÍNH ĐỀU ĐẶN để chiếm hữu.
Dù thời gian không phải là tấm ván, nhưng nếu mượn được, chia hành động ra thành nhiều phần nhỏ - cứ đều đặn thực hiện...
Một ngày kia, từng giọt mưa trở thành biển cả.

nguyentuonglinh
21/8/2012

Đi tìm sự Trật tự


Vị trí của Trật tự
Trật tự ngang bằng với mơ ước, mong đợi của con người.
Có được TRẬT TỰ, có được tất cả.
Biết được Trật tự, con người biết lối đi lối về.
Biết được Trật tự ở đâu, con người biết mình đang ở đâu.

Trật tự ở chỗ không trên, không dưới.
Trật tự ở nơi không xa, không gần.
Trật tự nương nhờ nơi nào có "không trật tự".

Hành xử
Mong có được Trật tự như một cách sống.
Ứng xử với Trật tự cũng là một cách sống.
Không nghĩ đến Trật tự, là thể hiện mình.

Đi tìm sự Trật tự
Trật tự luôn tự nhiên vẫn có, chỉ là cách thấy, cách nhận thấy.
Đôi mắt nào để mà nhìn thấy. 
Thấy mình.
Mình muốn điều gì.
Mình không muốn điều gì.

Trật tự ở nơi, nơi có điều mình không thích...

nguyentuonglinh
22/5/2012

Bài toán

Những việc đơn giản
Có thể đã có gì không ổn khi nhìn một vấn đề và thấy đơn giản.
Tự thân mọi việc luôn trình diễn không che đậy mọi thứ mình có. Mỗi người khi quan sát và thu nhận rất khác nhau. Do thu nhận khác nhau, nên vui và buồn cũng khác. Từ đó, có thể sinh ra một thứ giàu nghèo mới. Giàu nghèo về cảm nhận.

Những việc phức tạp
Một ván cờ có mức độ phức tạp khác nhau tùy nơi người chơi.
Cùng một ván chơi, mỗi người có sự căng thẳng khác nhau. Sự phức tạp và đơn giản cùng ở một nơi.  Phức tạp có thể không phải là tập hợp những điều giản đơn. Có thể không phải chẻ nhỏ những rối rắm là được những đơn vị. 

Bài toán
Không phải những thứ phức tạp mới là bài toán.
Không phải những thứ giản đơn là không cần giải đáp.
Cũng có thể chúng ta đã bế tắc khi cứ ngỡ những chuyện phức tạp là luôn cần phải giải. 
Có thể cuộc sống không còn thú vị khi mọi thứ đều cho là đơn giản - và không cần phải giải.

Phương pháp giải bài toán
Có thể vì cần đáp số, luôn đi tìm đáp số - nên nhiều bài toán giải không ra.
Trong quản trị, trong cuộc sống, khi bất chợt thấy sự trật tự thì khi đó bài toán đã được hoàn thành.

Khi nhìn mọi thứ có một trật tự, thì không còn gì phải làm nữa...

nguyentuonglinh
17/5/2012





Đức hạnh

Đức hạnh 
Đức hạnh thực tế không được công nhận hiện có, đang có. 
Đức hạnh luôn xem là thứ "nên có", ở phía trước, nên đức hạnh không có thực. 
Đức hạnh là thứ gì đó cao siêu, thánh thiện, hàn lâm - nên nó mãi xa vời. 
Người ta thường bảo: "Đó là" đức hạnh, mà không phải "đây là" đức hạnh. 
Tìm đức hạnh ở chỗ khác, không tìm bên trong nên bên trong không có.
Khi không còn tìm đức hạnh - khi ấy có khả năng đức hạnh ở đâu đó bên trong. 

Trật tự 
Trật tự là mọi thứ ở đó - đều có lý do ở đó. Không thừa không thiếu. 
Trật tự là cơ chế, hệ thống hoàn hảo. 
Hoàn hảo như một bình gốm. Bình gốm đã loại bỏ tất cả cái dư thừa. 
Bây giờ, ở đó có một thứ gọi là ĐỨC HẠNH.

Không trật tự 
Không trật tự là một trạng thái chuyển tiếp của trật tự. 
Không trật tự là "phản hạt" của trật tự. 
Nếu có "không trật tự", thì có "trật tự". 
Nếu không có "không trật tự", thì không có "trật tự". 

Không trật tự cũng là đức hạnh. Nó là thứ đã cho TRẬT TỰ đức hạnh. 

Mọi thứ tồn tại có ý nghĩa, hữu ích, không thừa không thiếu - là đức hạnh. 

nguyentuonglinh 
11/5/2012



Xếp hàng và không xếp hàng

Những vấn đề được quan tâm, trải dài trong cuộc sống đời người, xã hội thường thêm cụm từ "văn hoá" như hàm ý một điều gì.

Xếp hàng là hành xử vụn vặt, tự nhiên là thế mà vẫn không hoàn thiện, không thích nghi, không chịu biến đổi theo dòng cuộc sống sinh động. KHÔNG XẾP HÀNG đã trở thành mối bận tâm.
Lo sợ điều nhỏ nhặt sẽ bị lãng quên, xã hội đã thêm vào đó một chữ nghiêm túc: "văn hoá". Văn hoá xếp hàng.

Trên các công cụ tìm kiếm ở xã hội hiện đại, cụm từ "văn hoá xếp hàng" được xuất hiện chính thống, và hình như chữ "xếp hàng" ít xuất hiện. "Xếp hàng" không còn là chữ GỐC của vấn đề đang được quan tâm.

Hành vi xếp hàng là thái độ tự nhiên thể hiện công bằng, hành xử bình thường để đạt được hiệu quả nhất..., mà không được công nhận. Từ khi "xếp hàng" được hàm chứa nội dung "văn hóa" và trở nên lớn lao mang tính trừu tượng, hàm chứa hy vọng hơn là thực tiển. Tuy nhiên, khi mong mỏi "xếp hàng" trở thành văn hóa, lại không gieo trồng hay vun xới từng ngày - vì thế VĂN HOÁ XẾP HÀNG mãi là những con chữ sang trọng còn mãi với thời gian.

Đi từ đông sang tây, từ nam chí bắc nghiệm thấy các dân tộc khác không quan tâm mấy đến việc xếp hàng hay không. Bởi, không xếp hàng, chen lấn là một thứ gì đó không thể hiểu được. Không xếp hàng - như là thứ không thuộc về thế giới của sự bình thường.

Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã có nhiều bài viết so sánh về nguồn gốc và sự phát triển của Việt nam và các dân tộc khác. Hình như họ cố đi tìm những bằng chứng để giải thích tại sao "chúng ta không xếp hàng".
Càng ray rức về chuyện KHÔNG XẾP HÀNG, thì hình ảnh đó - càng bị nhập sâu hơn vào tâm thức, vì có quá nhiều lý do được tìm thấy.

*
Nếu cuộc sống luôn có hai mặt, thì mặt này là những người xếp hàng "để mua", còn mặt kia là những "người bán". Xã hội không để ý đến người bán, mà người bán lại là người quyết định ý nghĩa tối thượng của văn hóa xếp hàng. 
Nếu họ "bán nhanh" với một tổ chức khoa học và tận tụy nhân bản, thì dòng người xếp hàng sẽ ngắn lại. 
Nếu "người bán" đã không vô cảm trước dòng người nhẫn nại, thì rồi hình ảnh "văn hóa" sẽ không tồn tại. Cái mà mọi người ca tụng hôm nay, sẽ chỉ còn trong trí nhớ như một vết son vụng trộm khó hiểu.

Suy nghĩ vẫn vơ như vậy và luôn tự hỏi, cái đích thực tạo nên giá trị đang ở đâu.
Giá trị đích thực là luôn làm cho cái hàng càng dài ra, hay tìm cách làm cho nó ngắn đi và biến mất...

*
Xếp hàng, thường có ý nghĩ là cần phải có từ 2 "người" trở lên. Đôi khi, ở đâu đó, một lúc nào đó chúng ta sẽ thấy hình ảnh một người - Họ cũng xếp hàng. 
Dù là một mình mình, nhưng khi đến trước quầy, họ cũng có thái độ nhã nhặn, an nhiên. Họ thanh thản chờ đợi người thu ngân hay "người bán hàng sẵn sàng".
Người biết chờ đợi, người biết xếp hàng dù chỉ có một mình mình chắc là họ sẽ thấy an lành, biết tạo nên cuộc chơi, làm chủ một lối chơi có tốc độ vừa sức với mình.

Nhiều người luôn luôn nôn nóng, luôn luôn bận rộn. Luôn lo lắng, hồi hộp như chỉ còn một vé tàu cuối cùng của cuộc sống. Nhưng đã bao nhiêu vé tàu cuối đã cầm trên tay, mà tàu thì vẫn còn đó, người vẫn còn đây.

*
Xếp hàng, không chỉ là hành vi đi đứng, đợi chờ. Xếp hàng còn là một chữ khái quát về mọi thứ trong lúc đang sống.
Ngăn nắp, trật tự, luôn biết việc ưu tiên và không ưu tiên, luôn mưu cầu sự tối giản, luôn cảm nhận có sự tương đối hiện diện khắp thế gian ...thì đó cũng là hình ảnh khác của xếp hàng.
Nếu mà biết rõ thứ gì ở đâu thì ở đó, nhận ra được thế giới muôn màu, lành dữ... thì đó cũng là một sự phân định công bằng trong tâm thức.

*
Đơn giản luôn dễ chịu.
Trật tự luôn dễ chịu.
Phân minh luôn là lẽ đúng.
Ít sử dụng năng lượng- thường là bình an.

Không quá tự hào về việc xếp hàng.
Nên nghĩ về phía kia của việc không xếp hàng.

Vậy, cứ xếp hàng khi cần xếp hàng - như tự nhiên nó là vậy.

nguyentuonglinh
5/5/2012

TÂM

Viết cho người cộng sự

Tâm
Tâm là nơi ở giữa và không ở giữa.
Tâm là điều hữu hình và vô hình.
Có những thứ ở bên lề, nhưng bổng dưng được coi trọng và trở thành tâm.
Có những cái ở tâm mà bị quên lãng, nên tâm không tồn tại.
Tâm có thực và không có thực. Ẩn ẩn, hiện hiện - gần gũi, xa vời.
Tâm đôi khi bị lạm dụng, quen dùng - nên TÂM không còn là chính mình.
Tâm trở thành thần thánh vì là nơi ai cũng hướng về.
Tâm lại là nơi mà tâm thức bị cột - như một thứ giả danh.
Tâm là chánh đạo trở thành không chánh đạo - vì TÂM trở thành chỗ để dựa vào...

Tâm luôn dời chỗ.
Như mọi thứ, TÂM - cần được hiểu là luôn biến đổi.
Tâm không có sẵn mà chỉ được sinh ra khi cần.
Sinh ra và lớn lên và cần biến đổi từng giây. Sinh ra và cũng mất đi về với vô cùng.
Tâm luôn dời chỗ như một con người có thật.

Tâm ở đâu.
Khi sinh ra, TÂM có thể tốt hay không.
Thiện tâm, như là một báu vật luôn được thế gian mong cầu được có, cầu mong có được.
Khi có được rồi, thường luôn ôm giữ và bám vào đó như một bức tượng linh thiêng. Tôn thờ vì nghĩ rằng TÂM luôn không biến đổi. Vì sự sùng bái, Thiện Tâm không còn là Thiện Tâm.

Tâm luôn cần được dịch chuyển từ ý tưởng tốt đẹp để thành hiện thực.
Mọi hành vi, tự nó xuất hiện những TÂM mới. Cái Tâm mới, đó là sự an định, là sự định hướng để mọi thứ được chu toàn, tinh xảo. 
Sự hoàn thiện sẽ có, khi mọi thứ đều phù hợp và ăn ý cùng nhau. 
Nhiều khi, mọi thứ hỗn độn - nhưng nếu là sự hỗn độn trong hài hoà, thì đó là một bức tranh sinh động tuyệt vời. Tuyệt vời, một khi mỗi công trình có một sự dẫn dắt, định hướng. Bất kỳ, một công trình dù lớn hay nhỏ, nếu mất đi tư tưởng chủ đạo - công trình đó bị hỏng.
Bị hỏng vì hệ thống không hài hoà. Bị hỏng vì không có tâm. 
Nếu sự nhân quả có tồn tại, thì TÂM cũng luôn sinh ra và luôn biến đổi. Nếu như vậy, cũng cần luôn có một thứ tâm khác để định vị: Thiện Tâm. 
Thiện Tâm cần sinh ra ở "mọi thứ nhỏ nhoi".

Nhiệm vụ của TÂM
TÂM không phải là thứ để dựa vào, mà là một chuẩn mực. Để không lạc lối, Tâm này là nền tảng để sinh ra các tâm khác cùng huyết thống.
Một bữa ăn ngon, không phải vì hội tụ những thức ăn cao lương mỹ vị.
Một đêm hoà nhạc thành công, không phải trình diễn mọi bản nhạc nổi tiếng.
Một nét duyên hài hoà, đôi khi thoáng qua rất nhẹ - cũng đủ đánh đổ một con người.

Nhiệm vụ của Tâm? Đơn giản chỉ là luôn hoàn thiện những việc cỏn con.
Vì Tâm vô hình, nên khi say với một cái gì, luôn thú vị với cuộc sống... thì Tâm ở đó như một thế giới song song.

Nếu những việc nhỏ nhặt đều được chăm, được nâng niu, thành kính như một thứ Đạo, hy vọng sẽ cảm thụ hạnh phúc ngang bằng những điều lớn lao - thì ở đó có thực một cái TÂM. 

Tâm luôn dịch chuyển và biến hóa.
Tâm đi về đâu, thiện ác thì cũng còn tuỳ...

nguyentuonglinh
14/4/2012





Mất và còn

Thời gian
Thứ mà Tạo hoá quan tâm nhiều nhất là: Tính 2 mặt.
Điều mà con người hay bận tâm: phải trái.
Thời gian không thể hiện rõ sự phải trái. Phải trái của thời gian biểu lộ bằng một cách khác: tính hiệu quả của mọi thứ trôi trong đó. 
Quá khứ và tương lai không phải khác nhau, mà chỉ là một sợi dây.
Nhanh hay chậm không phải khác nhau, vì chưa có hằng số nào xác định.

Thu nhận
Thời gian đang thụ hưởng mọi thứ, luôn tham lam nhận mọi thứ.
Thời gian như kho báu, chỉ biết thu nhận và cất giữ mãi mãi.
Thời gian luôn có tương lai và luôn có tương lai. 
Thời gian luôn có hiện tại và không có hiện tại. 
Thời gian có thể có quá khứ, và có thể không có gì.

Mất
Tưởng "tôi có rồi", nhưng lạc mất vào tương lai thành chưa có. Tưởng "chưa có" mà lại lang thang vào quá khứ, thành ra đã có. Chỉ là một trò chơi của Tạo hóa.

Trò chơi, nên mọi thứ không mất gì, vì cất tạm vào kho đâu đó, rồi lại lấy ra chơi.
Mỗi người được trao cho chìa khoá để mở cửa kho.
Nhưng buồn thay, vì đãng trí nên luôn mở nhầm kho..


Bên cạnh định luật bảo toàn năng lượng (nếu có) có định luật bảo toàn mất và còn (nếu có).
Thời gian chỉ nhận mà không biết cho, nên thời gian đi mãi không về...

nguyentuonglinh
19/3/2012



Mặt trời bên Sông lúc đó...