Vài suy nghĩ về khiêm tốn và sáng tạo

Viết cho người cộng sự.

Khiêm tốn và sáng tạo là hai khái niệm rất khác nhau.
Khác vì KHIÊM TỐN là thu lại, SÁNG TẠO là bung ra theo nghĩa bình thường.

Nhưng khiêm tốn và sáng tạo có hình tượng như là chiếc hỏa tiễn. Lực đẩy càng mạnh, phía kia càng đi xa. Tưởng càng ngày càng cách xa, nhưng lại luôn ở sau lưng.
Vì luôn ở sau lưng nên thực chất KHIÊM TỐN và SÁNG TẠO chỉ là một. 
Chúng trộn lẫn và tách riêng ra.
Chúng giống nhau nhưng chúng lại khác biệt. 
Mọi việc nhầm lẫn, không thể nào  hiểu được.

Phong cách công ty TNHH Cao su Việt
Phong cách Công ty Cao Su Việt: Luôn hoàn thiện

Khiêm tốn để sáng tạo, đó là nền tảng của phong cách công ty TNHH Cao su Việt.
Nếu mọi thứ luôn thay đổi như nó luôn là thế, thì nương theo đó mà đi.
Đi theo sự thay đổi và đi theo mình. Đi theo mình để được cảm thấy dễ chịu. Dễ chịu, đó là hạnh phúc.
Nương theo đó, vừa đi vừa tìm cách "thay đổi" một chút. Một chút nhỏ nhưng sẽ tạo một nhân duyên mới. Một chút nhỏ, vì một chút nhỏ dễ tìm, dễ thấy.
Nên coi các kinh nghiệm, những gì đã học là sách. Sách để tham khảo và luôn chỉ để tham khảo. Mọi thứ luôn sinh động, muôn màu muôn vẻ - còn sách thì dừng lại. Bám chắc những điều đã biết là KHÔNG KHIÊM TỐN.
Vậy, khiêm tốn đó là thái độ khách quan.
Khách quan, có nghĩa luôn là người quan sát - quên mình đi, quên tất cả.

Quên tất cả để luôn thấy mình chưa sáng tỏ bất cứ điều gì...

Thử tìm một định nghĩa về khiêm tốn
Thật khó khăn khi đưa ra một định nghĩa chính xác.
Khiêm tốn được hiểu rất rộng và dựa trên khá nhiều nền tảng khác nhau. Cứ trên một quan điểm sẽ có một suy nghĩ và khẳng định. Vì thế, cũng như bao nhiêu khái niệm khác, bao đời vẫn tranh luận về một chuyện rất bình thường. Cái bình thường nào cũng được nhìn từ các góc nhìn khác nhau.
Công nhận các định nghĩa chính thống và được hầu hết mọi người công nhận, tuy nhiên công ty  Cao su Việt vẫn có những cảm nhận thêm từ góc nhìn của mình.

Khiêm tốn là gì. Không là gì cả. Khi người ta định nghĩa được khiêm tốn là gì, khi đó người ta còn cố gắng thể hiện sự khiêm tốn.
Về thực chất, khiêm tốn là một trạng thái mà người ta biết rõ vị trí của mình so với chung quanh.
Khiêm tốn là một trạng thái nhận biết, không phải là một hành động, nên  khi người ta thể hiện là đang khiêm tốn, khi đó họ đang cố giấu một cái gì đó ở phía sau...

Sáng tạo
Các nhân viên thường ít nghĩ về sáng tạo.  Khi được động viên suy nghĩ sáng tạo thì luôn do dự, luôn cảm thấy khó khăn.

Dù khi con người không tham gia sáng tạo, thì mọi thứ cũng luôn được đổi mới từng giây.
Chuyện hôm qua, chuyện bây giờ luôn trôi nhanh qua và nó chỉ sống có một lần. Việc sáng nay sẽ có kết quả vào buổi chiều, có khi có kết quả ngay tức khắc...
Vấn đề là chỉ xảy ra một lần, làm gì có cơ hội "khắc phục".
Bạn muốn việc kế tiếp theo ý mình hay cứ để xuôi dòng.
Hãy thêm một chút can thiệp của bạn như một chút gia vị. Nếu nó hợp lý hơn, đó là sáng tạo.

Khiêm tốn và sáng tạo
Dù khiêm tốn được mô tả như thế nào, thì cũng ám chỉ những lúc người ta cho rằng những vốn  kiến thức của mình chưa đủ. Họ luôn thấy cần phải luôn học hỏi, cập nhật và luôn tin rằng có một giải pháp khác để giải quyết một vấn đề cụ thể.
Đây không phải là trạng thái tự ti hay nghi vấn. Đơn giản, họ cần thêm thông tin để đủ cân nhắc trước khi hành động.
Khiêm tốn không cần phải thể hiện. Nó chỉ là một ý nghĩ trong đầu và không được biểu lộ ra ngoài. Nếu nó thể hiện cho người khác thấy, nó trở thành một thông điệp: Thực ra là tôi đang khiêm tốn thôi... Tôi xin trân trọng tuyên bố là tôi đang khiêm tốn!

Khiêm tốn và sáng tạo là một cặp không thể phân biệt.
Khiêm tốn không có hướng về sáng tạo thì khiêm tốn đó chỉ là hình thức.
Sáng tạo mà không từ khiêm tốn, sáng tạo không thể sinh ra. 

Không thể phân biệt giữa khiêm tốn và sáng tạo
Phong cách của Cty TNHH Cao su Việt: Khiêm tốn để sáng tạo. Khiêm tốn không phải là hành động và sáng tạo không phải là mục đích.
Cả hai trạng thái đó hòa lại nhau như không thể phân biệt và không thể định nghĩa.
Nói về khiêm tốn, nói về sáng tạo hoặc nhắc nhau "khiêm tốn để sáng tạo" chẳng qua là mượn từ ngữ để trình bày một trạng thái thăng hoa, một trạng thái sống hạnh phúc.

Chúng ta cần hiểu rõ, yêu cái mới là yêu bản thân mình.

Sáng tạo không phải là việc quá lớn lao
Trong các bài về sáng tạo, người ta hay lấy cây bút chì làm thí dụ.
Hình ảnh gần gủi đơn giản của cây bút chì, cho thấy sáng tạo  là việc luôn cần để công việc thường nhật được thuận tiện hơn.
Thông thường, người ta luôn chờ các phát minh vĩ đại của các nhà bác học, mà không nghĩ rằng chính mình lại là người trợ giúp mình nhanh nhất.
Cây bút chì tròn hay lăn, nghĩ đến việc cây bút có thân hình lục giác.
Mang theo cục gom phiền phức, thì đeo cục gom vào đầu kia cây bút.
Muốn có hai màu khác nhau, mà không muốn mang theo 2 cây, thì cho mỗi đầu một màu...
Tương tự như ý tưởng Kaizen của người Nhật, khi cần sự thuận tiện hơn, ai cũng có thể tìm một cách gì đó để "giúp" mình. 
Mọi sự đều từ thay đổi rất nhỏ..., luôn luôn là thế.

Kaizen - một viên ngọc
Kaizen là một chữ tiếng  Nhật, có nghĩa là cải tiến liên tục.
Bản chất của Kaizen là sự đơn giản. Sự đơn giản đó thể hiện:
-  Là những thay đổi nhỏ, rất nhỏ.
-  Cải tiến thông qua sự thay đổi phương pháp.
-  Chỉ thay đổi trong thực tiển, mọi người đều làm được và tự cải tiến thay đổi chính mình.
Sức mạnh của công ty ẩn giấu trong từng nhân viên một. Niềm vui của công ty là niềm vui của mỗi nhân viên.
Kaizen, xứng đáng được gọi là viên ngọc.
  
Sáng tạo, đơn giản là làm mới
Mọi thứ thường biến đổi và mất bớt đi nhưng các ý tưởng sáng tạo luôn đầy lên và làm nền cho những thứ khác. 
Thêm về vật chất đôi khi không làm nhẹ nhàng.
Thêm về đời sống tinh thần làm cho mọi thứ thăng hoa.
Có nhiều thứ thêm vào, lúc đầu là món quà, sau đó là món nợ.
Có nhiều thứ thêm vào, lúc đầu là mồ hôi, sau đó là hạnh phúc.
Người ta luôn sợ hãi về những cái mất đi, nhưng "những cái mất đi lại là sự sáng tạo tuyệt nhất của tạo hoá " (Theo Steve Jobs).
Thú vị thay về ý tưởng cho rằng: cái mất đi là cần thiết để làm mới. Mà "làm mới" là cái duy nhất để Tạo hóa tồn tại.
Sáng tạo, đơn giản là làm mới.

Giá trị cuộc sống
Giá trị của một bửa ăn không ở chỗ có quá nhiều thức ăn.
Giá trị của một nơi ở không thể chỉ đầy ắp đồ đạc, lâu đài.
Giá trị của bước đi không ở việc sẽ đến đâu.
Giá trị của đồng tiền không ở chỗ mua được nhiều thứ.
Chúng ta luôn đi tìm số lượng và đi tìm cái vĩnh hằng.
Số lượng thì luôn tương đối, còn cái vĩnh hằng thì ở kế bên.
Cái vĩnh hằng là mọi thứ luôn mới.
Cái vĩnh hằng luôn ở kế bên.

Điểm khởi đầu của sáng tạo
Con đường của cuộc sống trải dài từ vô thủy vô chung. Cuộc sống ở đâu, sáng tạo ở đó. Sáng tạo tới đâu, cuộc sống sinh ra tới đó.

Tuy nhiên, người ta cũng phát hiện một điều lý thú:  Sáng tạo lại sinh ra mỗi phút mỗi giây. Điều gì con người không chủ động thì Trời đất cũng luôn làm thay. Có điều, Trời đất không hiểu con người yêu thích điều gì, nên con người  "cần lên tiếng". Con người có quyền lên tiếng bằng suy nghĩ, bằng các hành động sáng tạo của mình.
Cứ mỗi giây có thể là nơi khởi đầu những cái mới. 
Bao điều mới luôn được sinh ra trong hiện tại.

Suy nghĩ được một điều gì đó là mình thu vào
Suy nghĩ được một điều gì, là mình thu vào.
Làm điều gì từ suy nghĩ, là mình cho đi.

Ý nghĩa thu vào như là một tất yếu.
Nếu không tiếp nhận được năng lượng, không tiếp nhận được thức ăn thì không có được phản ứng chuyển hoá.
Mất phản ứng chuyển hoá, sự sống khó hình thành.
Thu vào tự nhiên như thở vào.
Thu vào như cái nóng phải lên trên, cái lạnh thường xuống dưới.
Mọi thứ tự nhiên như một nhu cầu.
Nếu đã là tự nhiên, thì không bàn đến thu nhận hay cho đi nữa.
Khi không còn ý nghĩ cho nhận, thu vào cho đi - khi ấy... mọi thứ bình thường.

Câu chuyện chiếc lá
Nhiều người yêu thiên nhiên vì cảm nhận giữa thiên nhiên và con người là một.
Con người ăn một chiếc lá, lá sẽ thành người.
Một lúc nhân duyên tuyệt đỉnh, con người trở thành thức ăn cho lá.
Chiếc lá biết thu mình khi trời lạnh giá hay nắng ban trưa. Lá biết tự quay về nơi ánh sáng, mà con người phải học lắm mới làm được việc ấy.

Lá không nghĩ việc này việc nọ - cần sáng tạo hay không sáng tạo.
Lá không nghĩ gì khi hành xử thu về hay cho đi.
Lá sống như tự nhiên là vậy.

Yêu cuộc sống luôn tràn đầy sáng tạo
Sáng tạo hay đến bất ngờ.
Nhiều nhà bác học có được phát minh, khám phá khi đang tắm hoặc lúc đang thơ thẩn không làm việc gì.
Từ đó các môn học về vô thức, tiềm thức được phát triển để hiểu vì sao.
Hai chữ "nội lực" cả đời vẫn không hiểu hết. Khi nào thì nội lực được sử dụng luôn là ẩn số.
Tuy nhiên, nếu không gom góp lại, cất giữ thì không thể có nội lực.

Sáng tạo hay đến bất ngờ.
Sáng tạo cũng chẳng đến bất ngờ.

                                       *    *   *
                                              
Luôn quan sát mình và nhận rõ những điều mình biết. Luôn quan sát chung quanh và hiểu rõ chung quanh vô cùng. Dưới mình không biết bao xa, trên mình không biết bao cao.
Biết được nơi mình đứng là khiêm tốn. Không biết nơi mình đứng cũng là khiêm tốn. Khiêm tốn không phải là hạ mình xuống. Khiêm tốn cũng không cần chứng tỏ. Khiêm tốn cũng không cần che giấu mình...

Lộ rõ dưới ánh mặt trời. Theo ánh sáng mà sống. Luôn hành xử theo sự hợp lý. Luôn phát hiện những điều khó chịu và sống trong những sự khó chịu. Luôn nghĩ đến sự hợp lý và sống trong sự hợp lý. Gom góp từng chút một mà mình yêu thích...
Cứ thế mà sống lạc quan, cứ thế mà yêu công việc.
Khi nào không còn nhớ đến khiêm tốn là gì, không còn biết đến sáng tạo là gì, chỉ yêu tha thiết công việc - khi ấy cuộc sống trôi đi bình thường...

Cuộc sống luôn tràn đầy sáng tạo...
Khi ấy mới thực sự sống trong sáng tạo.

Phong cách Công ty Cao su Việt:
                                   LUÔN HOÀN THIỆN

nguyentuonglinh
11/9/2011