4/9/2011
Tản mạn một số suy nghĩ về cạnh tranh. Cạnh tranh theo một cách khác, đó là cách không có khái niệm cạnh tranh, không nhớ cạnh tranh là gì - như chưa từng có "chữ".
Cạnh tranh nghĩ theo cách của công ty, của những người hàng ngày đối mặt với được thua, của cái mà thường gọi là chiến trường. Là một công ty sản xuất, Cty cao su Việt lại định vị công ty mình theo một hướng khác. Hướng ngược lại. Quay lưng lại với cạnh tranh, có thể là ở mặt sau của nó.
1. Phương pháp cạnh tranh của Cty Cao su Việt
Phương pháp cạnh tranh của Cty Cao su Việt:
TỰ LÀM CHO MÌNH MẠNH LÊN
Cty Cao su Việt chủ trương không va chạm với đồng nghiệp.
Một sản phẩm cao su tốt và được khách hàng thừa nhận là do chính nơi sản phẩm đó.
Cũng vì lẽ đó,
chính sách chất lượng của Cty Cao su Việt : LUÔN HOÀN THIỆN
Phương pháp cạnh tranh của cty cũng là phương pháp sống của mỗi người trong cty.
Thói quen "nhìn" người khác thường là làm mình không vui.
Nhìn chính mình từng việc nhỏ nhất, từng thao tác, từng suy nghĩ, quan sát và quan sát mình....
Quan sát mình, chúng ta sẽ nhận ra nhiều điều thú vị.
2. Suy nghĩ về cạnh tranh
Bỏ qua các ý nghĩa xuất phát của từ nguyên, luật cạnh tranh và các định nghĩa về khía cạnh kinh tế, có thể lan man về sự liên hệ giữa những "vật sống" luôn sinh động.
Tiến hoá tự nhiên vì cần sinh tồn , một cành cây luôn vươn về khoảng không vô tận nơi có ánh sáng. Dòng nước ô nhiễm luôn chịu chảy về nơi thấp nhất, chịu qua những khe hẹp như không còn cánh cửa nào hẹp hơn để trở nên tinh khiết. Những âm thanh vô hình, bất kể là những lời lẽ dịu dàng hay hung ác cũng trôi vào không gian còn mãi, hoặc thấm vào đâu đó để như muốn được lưu giữ đến muôn đời.
Mọi thứ như không mất đi mà được chuyển hoá, không cần hình tướng, bất cần sự đánh giá tốt xấu của thế gian - nó vẫn cứ còn đâu đó...một thứ năng lượng trời phú cho một đức hạnh là tự biết đường của mình mà đi.
Vì mỗi thứ tự đi theo con đường của mình, nên không giống với bất cứ thứ gì.
Không giống với bất cứ thứ gì....
3. Những cái bên nhau
Khi nói về cạnh tranh cần quan sát cái này cái kia.
Rất nhiều những hình ảnh cái này cái kia bên nhau.
Từ con người, con vật, các vật dụng, sản phẩm cho đến cỏ cây, các sự việc.....luôn có những cái bên cạnh. "Cái bên cạnh" luôn phát sinh bao việc làm đầy ắp cho thế gian những buồn vui, phiền não và hạnh phúc.
Cái bên cạnh giúp cho cái này có một thứ giá trị nào đó, có thể cao hay thấp, ít hay nhiều. Quan sát người hàng xóm, thấy rõ họ hơn và cũng giật mình vì nhìn được chính mình.
Những giá trị được thấy hình như không chuẩn mực như khi ngồi trên chiếc thuyền bập bềnh con nước.
Chiếc thuyền và con nước cũng là hai thứ bên nhau.....
4. Không có một ai giống mình cả
Có những nỗi buồn không biết vì sao. Có những mặc cảm mà nguyên nhân mờ nhạt. Có những thành công mà như thất bại. Có những thất bại mà như thành công.
Vì bóng dáng ai đó, một cái gì đó mình đã soi vào và thấy được hơn thấp. Luôn phải so với những cái không giống nhau, luôn phải cân đong những việc khác thường, luôn gánh nặng những điều vô cớ.....
Không có thước đo nào để đo những thứ không chuẩn mực. Điều đúng hôm nay, không đúng cho ngày mai. Không vội mà lấy "sự tương đối" để mà gán cho điều chưa biết rõ.
Thế gian rộng vô cùng, nhưng mình là duy nhất.
Đường đi vạn nẻo, nhưng lối đi của mình chỉ có một.
Không một ai giống mình.
5. Đường đời vạn nẻo nhưng chỉ một lối đi
Không thể kể hết những gì đã hình thành nên một con người. Từ ngày đầu tiên, cứ vậy trong từng phút giây mỗi người đã thu vào cho mình mọi thứ khác biệt. Nền giáo dục cố kéo mọi người lại gần nhau, nhưng thiên hướng và ước vọng đã đa dạng hóa hành xử đối với người với mình.
Ác thiện không hiểu từ đâu mà đến. Phải chăng đã cùng nhau đến cùng một lúc như nóng lạnh, ngọt và chua. Không có cái này, cái kia không có.
Suy nghĩ khác nhau, bước đi chẳng thể giống. Bước tới thành đường, đi mãi thành lối. Mỗi người chỉ một lối đi.
Tự nhiên đã vậy. Người sau không thể đi theo dấu chân người khác.
6. Câu chuyện của cô chủ quán bán tạp hóa
Câu chuyện không có ý so sánh bản chất của các nền kinh tế sơ khai hay phát triển. Đơn giản chỉ là một sự quan sát, quan sát một sự kiện đã xãy ra rất lâu và còn tồn tại đến ngày nay.
Đó là thái độ và hành xử của những người chủ quán bán hàng tạp hóa ở đầu thôn.
Rất tiếc là ít người trong số họ thường xuyên nghiên cứu để hoàn thiện mọi việc về chuyên môn và quản lý bán hàng. Có điều họ không hay dòm ngó những người cùng nghề, không hay "tìm kiếm" các phương thức hiện đại để làm hại người khác. Họ mở cửa quán và tiếp khách với một nụ cười thân thiện.
Nụ cười là sự cạnh tranh mà họ không biết.
Sự thân thiện là lý do tồn tại mà họ không biết.
Sự không biết đó như là sự rèn luyện tuyệt đỉnh của các bậc cao minh.
Nụ cười, đó là câu chuyện của cô chủ.
7. Những người có cuộc sống bình thường
Một mình sản phẩm cao su này phải tự vượt khó
Có những thời kỳ mà người ta tìm một nụ cười rất khó.
Bản chất của nụ cười không phải ở gương mặt, nó ở trong góc tối. Nó không được lộ ra, vì người thể hiện nó không biết mình đang cười - vì khi diễn kịch người ta mới biết mình lúc nào cười lúc nào không.
Một ông chủ nhỏ có thể cả đời thanh thản, vị chủ tịch một công ty lớn thì không. Họ khác nhau điều gì và giống nhau điều gì. Dù khác nhau, dù giống nhau thì vẫn có một ước nguyện: hàng hóa của mình tốt nhất. Nhỏ thì tốt nhất con đường này, lớn thì tốt nhất khu phố, tốt nhất nước, tốt nhất thế giới......
Nhiều ông chủ đâu đó tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, hàng ngày họ vẫn "đưa ra" những sản phẩm tốt nhất, chu đáo nhất và bằng một cách thân thiện nhất.
Những người không tên tuổi đã làm nên vinh quang của một dòng sản phẩm.
Những người không tên tuổi đã đạt được một cuộc sống ...rất bình thường.
8. Bán cho người khác sự thân thiện
Bạn hãy quan sát xem những người bình thường đã thành công họ bán những gì. Họ mang một mớ rau ra chợ, ngoài bó rau họ còn gởi theo luôn nụ cười. Người mua nhận được nụ cười mà không biết.
Những người bán khác đã gởi đi quyển sách, chiếc xe hơi đến người xa lạ. Người nhận đã nhận được những tinh hoa kèm theo, không chỉ có những gì thấy được.
Nếu bán đi mà không kèm theo những thứ giá trị khác, đó là sự bán mua thất bại.
Cái cuối cùng của "sự bán mua" thành công đó là sự hài lòng đôi bên và họ hẹn lòng sẽ quay lại.
Cái cuối cùng của một " công đoạn bán mua" đó là sự chuyển đi sự thân thiện.
9. Hẹn lòng sẽ quay lại
Sự chân thật, sự thân thiện có thể đã có từ trước khi sản phẩm được bán và lớn thêm lên sau mua bán.
Cái chân thật có trước khi sản phẩm ra đời thật sự quí giá.
Cái chân thật còn lại sau khi sản phẩm đến người dùng càng quí hơn nữa.
Sản phẩm có thể không còn.
Tiền thu được từ bán sản phẩm cũng sẽ không còn.
Vì sự chân thật, khách hẹn lòng sẽ quay lại.
10. Lớn lên không vì một đối thủ nào
Phẩm chất của một cái gì đó đã có mặt trước khi cái ấy sinh ra.
Cuộc sống của một sản phẩm cũng có mặt trước khi sản phẩm ấy sinh ra.
Bằng chứng của việc ấy là những ước muốn, động cơ, sự chuẩn bị.
Bằng chứng việc ấy là nhân lực, kiến thức, kỹ thuật, phương tiện…..và nhiều thứ khác nữa.
“Những nguyên nhân” chu đáo, sản phẩm sẽ hoàn hảo.
Những chuẩn bị hời hợt, sản phẩm không có sức cạnh tranh.
“Sức cạnh tranh” hình như được định hình trước khi có đối thủ.
“Sức cạnh tranh” là cái gốc tự nhiên không vì đối thủ nào.
Vậy thì, “cạnh tranh” là một từ ngữ dùng mô tả, không phải dùng để hành động.
11. Những hàng cây
Trời đất bao la có những hàng cây
Cây này cao, cây kia thấp
Thấp cao không được dùng trong cơn giông bão
Hàng phượng đỏ trên đường đi học
Cây này cao, cây kia thấp
Thấp cao không nhớ, chỉ nhớ màu đỏ mùa hè
Ngọc Lan xanh mát đầu ngày
Cây nào cao, cây nào thấp
Chỉ nhớ những mùi hương.
12. Lối hẹp mới gọi là đường
Đi xa để thấy được xa, để lòng bớt hẹp.
Về gần để thấy được mình, cho lòng mở ra.
Đi xa khắp nơi khắp chốn để hiểu rõ được mình.
Quan sát mọi thứ của mình, hiểu được mọi thứ riêng mình mà không ai biết được.
"Biết" được những cái nhỏ nhặt xa lạ, đó là vào con đường hẹp.
Lối hẹp mới gọi là đường.
Đường dẫn đi vào nơi hoang vắng. Nơi chỉ có một mình......
13. Hoàn thiện hơn là đi xa khỏi sự cạnh tranh
Cây đèn cầy (nến) cần thêm tim, thêm nến để trở thành cây nến to ... và ngọn lửa không tắt trước gió.
Họa mi luyện hót tháng ngày, nên hót là chuyện bình thường.
Cánh diều giấy bay cao nhờ đôi cánh rộng....
Vài chục năm người nghệ sĩ đã luyện đôi chân, đôi tay, con mắt để có được một chút gì....
Không phải vượt hay không vượt lên chính mình, mà đi sâu hơn về một chiều khác, hoàn thiện hơn về một chiều khác....
Hoàn thiện hơn dù một việc nhỏ là đi ngược chiều với sự cạnh tranh.
Cạnh tranh là đi ngược với hướng nơi có cạnh tranh.
Cạnh tranh là một từ ngữ được sinh ra trong kinh doanh
(và cũng có thể ở nơi không kinh doanh)
Nó hữu dụng khi người ta cần.
Nó hữu dụng khi thấy mình thấp, lòng muốn lên cao
Và hữu dụng khi khẳng định "cao thấp" là cái gì có thật.
Ý nghĩ cạnh tranh đã tiêu tốn nhiều công sức. Đối nghịch làm yếu đi, đối kháng làm hao đi.
Có một thời kỳ, cạnh tranh như là một cách để xã hội phát triển???
Vì thế, khi nghĩ về cạnh tranh mới thấy làm lạ. Càng tìm hiểu về nó, càng không vui. Càng quan sát càng lo lắng. Khi không vui và luôn lo lắng thì không thể bình tâm mà làm cái gì tốt được.
Cứ như thế dòng đời cứ trôi qua như dòng sông, không trước không sau, không trên không dưới.
Có thể quên những gì chảy qua, nhưng không quên dòng nước trong vắt có thể nhìn tận đáy.
Có một thứ khác mà người ta cảm thấy vui mỗi khi chăm chú với những điều mới mẻ. Lúc đó, họ quên cái gì đã giúp họ khác hơn ngày hôm qua. Họ không còn nghĩ đến hai chữ cạnh tranh, thậm chí lâu không dùng, không còn hiểu "cạnh tranh" là gì.
Con người biết tự làm cho mình mạnh lên bằng lòng yêu công việc. Đó là sáng tạo.
Sáng tạo, nó là gốc mọi thứ.
Vậy đó, đường đi vào sáng tạo không hẹp, không rộng và không theo hướng cạnh tranh....
Lâu ngày, người ta không hiểu CẠNH TRANH là gì.....
nguyentuonglinh
4/9/2011