Blog viết cho nhân viên
18/12/2011
Lần đầu tiên một nhân vật mất đi, lại để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Không phải suy nghĩ về Ông mà suy nghĩ mãi về tư tưởng và hành động của ....chỉ là một con người.
Cuốn sách nhận được từ anh Tuấn,Yonsei gởi cho, Steve Jobs Walter Isaacson.pdf vẫn chưa đọc được. Cuốn sách Con đường Steve Jobs, nxb Trẻ - một tháng qua chỉ đọc được hơn 100 trang....
Một cuốn sách đọc quá chậm, vì không thể đọc nhanh.
Nghĩ về Ông không phải vì Ông là người đồng sáng lập Apple, mà có lẽ, cách mà Ông đi.
Điều chắc chắn không phải mọi thứ vinh quang, mà chính "cái riêng biệt" đã đánh thức sự ngưỡng mộ.
Tôi chép lại mấy bài đã viết về Ông dưới đây.
Chúc các bạn một ngày vui vẻ và không nghĩ là mình "sống và làm theo" bất kỳ ai.
Steve Jobs, người sáng tạo ra thế giới mới
9/10/2011
Đã 5 ngày, Steve Jobs đi xa.
Thế giới sẽ còn viết về Ông trong nhiều năm về sau, vì lẽ Ông được các vĩ nhân tôn vinh "Ông là vĩ nhân" của thế giới.
Vĩ nhân bởi lẽ Ông đã bắt đầu một công việc sáng tạo ra những giá trị mới từ năm 21 tuổi và đến khi dừng lại ở tuổi 56, Ông đã kịp cống hiến cho nhân loại những phúc lợi được ghi dấu trong hơn 230 bằng sáng chế .
Di sản để lại của Ông có những điều thuộc về vĩnh hằng, đó là lòng yêu sáng tạo và biết nghe theo trái tim mình.
Jobs được ví như một Leonardo Da Vinci, bởi những giá trị sáng tạo luôn xếp lớp lên nhau và hướng về nhân văn như là một con đường tự nhiên là vậy, cứ một mạch tiến về phía trước như không hề có một cố gắng nào...
Ông đã mở ra cho thế giới một thế giới mới khép kín mà ông gọi là vũ trụ nhỏ, bằng việc thể hiện những dòng sản phẩm luôn quyện vào nhau như không thể thiếu. Đó là một thế giới khác, một thế giới vận hành song song với thế giới thực và người ta đã sống ngây ngất trong thế giới "không thực" đó.
Người ta đã học được ông tính chăm chút cho từng chi tiết nhỏ, cho từng sản phẩm. Đó là con người luôn đòi hỏi cao ở nhân viên, luôn giám sát khắc khe ở mỗi công đoạn - mỗi công đoạn của của cỗ máy khổng lồ... Ông luôn có ý tưởng "đơn giản": tìm và xây dựng một vũ trụ khép kín trong kinh doanh. Vì vậy, Ông là người dẫn đầu cho một đoàn tàu luôn tiến về phía....chưa một ai biết. Đó là con đường sáng tạo.
Người ta sẽ mãi còn ghi nhớ khẳng định của Ông về cách sống:
" Công việc chiếm phần lớn thời gian trong cuộc sống của bạn. Và cách duy nhất để toại nguyện là hãy làm những gì bạn tin là tuyệt vời. Tốt nhất là yêu những gì bạn làm..."
Jobs đã nhắc bạn đừng để mình bị mắc kẹt về những giáo điều, kinh nghiệm mà hãy đi theo trái tim và cảm xúc trực giác của mình.
Jobs đã suy nghĩ và đã sống như vậy.
Người ta sẽ còn xúc động khi lật từng trang về cuộc đời của Jobs.
Một đứa trẻ bị xa mẹ - Một sinh viên phải tự thôi học vì xót xa những đồng tiền mồ hôi cuối cùng của cha mẹ nuôi - Một giám đốc bị sa thải ra khỏi công ty của chính mình...
Những thăng trầm - nghị lực - dũng cảm - nước mắt - nổ lực sáng tạo như một xâu chuỗi xoắn lại , như khó có thể bứt ra. Xoắn lại như có xót xa và người trong cuộc chắc là phải thấm lắm...
Có lẽ vì thế mà Jobs đã có được một tâm vắng lặng, bình yên. Trong cõi bình yên đó, Jobs đã thấy được nơi đến tận cùng của sự đam mê và đầy ắp sáng tạo. Con người của thế giới thực vẫn sẽ còn cảm nhận nhiều điều về con người vĩ đại, con người rất thực. Con người thực gần gũi luôn còn ở bên mình.
nguyentuonglinh
9/10/2011
-----------------------
Nghĩ đôi điều về triết lý Steve Jobs
10/10/2011 574
Bài viết cho nhân viên Cty cao su Việt
Steve Jobs, đó là người không quen, nhưng bây giờ lại phải "đọc" ở Ông khá nhiều. Bởi vì Ông có một cái gì đó thân thuộc nhưng luôn quá tầm với. Luôn quá tầm của những người bình thường.
Bức hình trên là một trong những tấm tôi rất yêu thích. Ở đó ẩn chưa một điều gì đó vừa mãnh liệt vừa thuyết phục người xem. Có một chút gì pha lẫn khó hiểu trong đó.
Tôi không muốn ghi năm Ông an nghỉ, vì có lẽ đối với mọi người - Jobs không biết sinh ra từ đâu và mãi vẫn còn đó.
Đọc về Steve Jobs như thấy trong Ông có một Phương Đông Phương Tây trộn lẫn.
Một người luôn cầu sự hoàn hảo nhưng luôn phủ nhận không có bến bờ của sự toàn thiện ở đâu đó, và như thế, Ông luôn đi tìm.
Jobs luôn đi tìm một cái gì đó không phải là tiền bạc và cuối cùng tiền bạc cũng không là sự bận tâm.
Jobs luôn đi tìm một cái gì đó từ bước đầu tiên, từ những ngày phải đi nhặt từng lon nước ngọt để đổi thức ăn, và đi bộ hàng chục cây số để đến nơi có cái gì để lót dạ.
Bước đầu tiên trong cuộc sống nghiệt ngã và Ông nhìn thấy phía bên kia. Ở tận cùng bên này và thấy được bên kia.
Có một triết lý Phương Đông trong Ông, khi Ông cho rằng cái chết là phát minh lớn nhất của cuộc sống. Cái chết là động lực của sáng tạo, là công cụ quan trọng mà Ông từng có. Mọi thứ đều vô nghĩa trước cái chết... và mỗi đêm, trước khi lên giường ngủ, cảm thấy mình đã làm được một điều tuyệt vời. Hãy sống mỗi ngày như ngày cuối của cuộc đời. Đó là tất cả.
Cái Phương Đông ở đó, khi Jobs thường đi tìm cái tối giản. Mà cái tối giản thì luôn phức tạp, cái tối giản thì luôn khác biệt và luôn rộng mở. Cái tối giản luôn thanh tịnh và từ đó sáng tạo bừng dậy, bừng dậy mãnh liệt. Cái tối giản luôn nằm trong người mới trải nghiệm. Cái tối giản nằm ở mọi nơi có sự bắt đầu. Vậy nên, Ông luôn thấy mình lúc nào cũng bắt đầu trong suốt cả chừng ấy năm.
56 năm cũng thật ngắn để đi đến đỉnh vinh quang. Người ta thoáng nghĩ về một sự tương đối của thời gian, một sự tương đối của tài năng và sự vô hạn của con người. Người vượt được cái ngưỡng của sự tưởng tượng, bởi những gì sáng tạo được đều chỉ có trong thế giới trí tưởng tượng của những người phi thường.
Chúc Jobs vẫn mãi đi tìm sự hoàn thiện dù luôn biết rằng cuộc sống luôn không có điều đó. Cuộc sống luôn không có sự hoàn hảo. Luôn đi tìm sự hoàn hảo như là một cái cớ đậm chất nhân văn. Luôn còn khiếm khuyết nên mãi đi tìm, như QUẢ TÁO Apple vậy.
nguyentuonglinh
10/10/2011