Blog viết cho nhân viên
Phải trái
Ngày xửa ngày xưa, khi chưa có khái niệm phải trái, người ta sống như không có phải trái.
Khi chưa có cái gì trên hoặc dưới, cứ sống như chưa từng có phía trên.
Đến khi phải trái như là một ứng xử thuần thục, thì là lúc lại đi tìm ranh giới ở đâu.
Ranh giới phải trái như có phép thuật, biến hoá, có-không. Rộng hẹp trở nên khó hiểu, người cười người chê.
Đánh nhau
Đứa trẻ lên hai bắt đầu có khái niệm sở hữu "của mình". Những đứa trẻ đã đánh nhau vì giành cái quyền của mình. Cái quyền từ vô hình trở thành khái niệm, sau đó trở thành hữu hình, rồi trở thành vật thật. Giữa vật thật và khái niệm không phân định, lơ mơ....nên lại đánh nhau.
Sự thật về "của mình" không rõ ràng, đôi chút nhầm lẫn ranh giới, vội vã thu về như nuôi những con vịt trời. Những con vịt trời vốn dĩ thuộc về trời đất mênh mông.
Mục đích
Luôn thực hiện những mục tiêu, như là luôn muốn chuyển dịch ranh giới rộng hơn khỏi vị trí của mình. Sở hữu nhiều hơn, lãnh thổ rộng hơn, kiến thức nhiều hơn, vật chất nhiều hơn...., cứ vậy, ranh giới luôn dời đổi.
Ai đó đành thu hẹp lại nhường lãnh thổ cho người khác. Thu lại ranh giới sau khi lượng sức không thể xem đó là "của mình". Không đạt được mục đích là một thảm hại. Đó là thất bại, vì "cần sống có mục đích" như là mặc định của phương pháp đi tới thành công.
Mục đích hướng ngoại luôn va chạm người khác.
Sự trung thực
Chính mình cũng không nhận rõ đâu là trung thực. Trung thực với ai, hay với mình. Chỉ khi nào có sự không trung thực xuất hiện, thì sự trung thực mới được thấy.
Vậy mà, có đứa trẻ không hề biết phân biệt. Nó sống một cuộc sống tuyệt vời. Nó chẳng phải cân nhắc, suy nghĩ về sự trung thực.
Trung thực là khoa học, là tự nhiên. Nó đang có. Không phải dùng máy phát hiện nói dối để... lần theo đó mà tìm sự chân thực.
Thế giới luôn cố gắng, luôn cân nhắc, đôi khi dùng vũ lực để phân tách sự trung thực. Tại sao phải tốn quá nhiều công để đi tìm cái đang hiện hữu đang ở kế bên. Sự trung thực, sự minh bạch luôn ở kế bên.
Thở và ăn
Trong những thứ con người “ăn”, thì khí trời chiếm hầu hết. Người ta rất cần thở liên tục để sống. Có khi phải đánh nhau để giành không khí để thở, vì không có người nói giúp một câu, nói một cách chân thật: Không khí là của Trời của Đất, không phải của riêng ai.
Cần một nơi trong lành để thở là một lời nói thật. Đôi khi không hề biết vì thiếu một lời nói thật.
Nếu trong lúc nhận cái ăn, biết rõ rằng – cái ăn là thuốc thì ăn ít. Nếu biết rõ rằng – cái ăn là độc thì sẽ ăn ít. Rất cần một lời nói thật, trong cái ăn có gì.
Những thứ nhìn thấy, những thứ nghe, một ánh mắt thương yêu, một lời dịu dàng đều là những thứ ăn vào người. Mọi-thứ-thu-vào-người đều thành máu xương. Thu vào như thế nào, thì con người sẽ thành như vậy.
Lời nói thật không phải lúc nào cũng cần phải nói.
Những hành xử không thù ghét, sự tha thứ là lời nói thật.
Không phân biệt là lời nói thật không lời...
nguyentuonglinh
23/12/2011