Làm việc có sáng tạo là yêu mình, yêu người

30/10/2011

Blog  viết  cho  nhân viên Cty TNHH Cao su Việt 

Khi gặp khó khăn, nhất là những khó khăn nhỏ nhặt có tính riêng tư không ai có thể giúp mình kịp thời. Cách tốt nhất để thoát khỏi hoàn cảnh đó: cách giải quyết có sáng tạo.
Sáng tạo đôi lúc được tạo ra vô tình do bản năng cần sống, mà người sáng tạo không biết. 
Dù sao, bản chất sáng tạo luôn là tốt cho con người.

1. Minh bạch là yêu mình, yêu người 

Thế giới ngày nay đang luôn cố gắng hướng về sự minh bạch. 
Minh bạch là sự việc bình thường, nhưng mọi thứ đã xãy ra luôn không minh bạch. Vì thế, muốn sống minh bạch, người ta luôn cần cố gắng lắm, luôn luôn đấu tranh. 
Vật chất luôn ghi nhớ lại mọi thứ xãy dù rất nhỏ. Những gì không xãy ra, không có, không nhớ. Che giấu đi những gì đã xảy ra là xoá đi trí nhớ của vật chất.....
Vật chất nhớ và luôn sinh ra cái mới từ đó, còn khả năng xoá là có hạn. 
Minh bạch là cái gốc của sáng tạo.
Sáng tạo là can thiệp vào hiện tại.
Che giấu là can thiệp vào quá khứ. 


2. Tạo nên thói quen: Suy nghĩ đến nguyên nhân
Tạo nên một thói quen, nghĩ về các nguyên nhân trước khi có kết quả. 
Hệ thống ISO luôn hướng dẫn khắc phục phòng ngừa, có nghĩa là luôn coi trọng việc không để lặp lại. Một lần đã tổn thất, lặp đi lặp lại sẽ tổn thất gấp bội lần. 
Những nhà hoạch định, các nhà thiết kế đã luôn tính toán, lập trình để mọi thứ xảy ra đúng như ý muốn. Họ cũng dự trù, tình huống có sự biến đổi thì sẽ chuyển dịch về đâu. 
Chuyện này giống những con tàu đi vào không gian. Nơi ấy mọi định luật đã phát triển, nơi mà những con số cố định ở mặt đất không còn là hằng số, nhưng phải làm cho các con tàu phải quay về được. 
Thu lượm được càng nhiều nguyên nhân, chọn lựa được nhiều nhóm nguyên nhân thì kết quả cũng có cơ may điều chỉnh được.....

3. Về sự trung thực
Sự trung thực thường được hiểu là trung thực với người khác.
Trung thực với người khác hàm ý -  một khi cho đi là sẽ có thu về.
Sự trung thực là mang đi nguyên bản sự việc cùng cảm nhận đến với người ngoài. Cũng chính vì nó kèm theo sự cảm nhận nên sự trung thực sẽ bị nhuộm bởi sự phán xét của chủ nhân.
Có một sự trung thực khác, đó là sự trung thực với mình.
Sự trung thực với mình luôn là căn bản không những cho mình mà cho người.
Sự thoải mái, tự tin được sinh ra từ đây.
Sự tu tập bản thân và lòng vị tha cũng được sinh ra từ đây.
Sự trung thực với chính mình dần dần trở nên sự vui thích khám phá, quan sát bản thân. 
Hiểu được rõ mình, đó là việc mọi người luôn chờ mong.

4. Luôn làm việc với một niềm vui
Có làm việc người ta sẽ có niềm vui.
Có niềm vui thì công việc mới được tiếp tục và sống động.
Công việc sinh ra niềm vui và niềm vui dẫn công việc đi xa.
Công việc có niềm vui đi theo là một cuộc chơi.
Công việc không có niềm vui, đó là khổ sai.
Có vui hay không là do mình. Việc gì cảm thấy không vui, đừng làm.
Mỗi người sẽ có cách riêng, nhưng thông thường, ai theo đuổi về chiều sâu của chất lượng công việc (sản phẩm) thì sẽ có niềm vui, hạnh phúc.
Cơm áo gạo tiền như chiếc bóng, tự nó đi theo... 


5. "Thời gian" trong lao động sáng tạo
Có 3 thứ thời gian cùng có mặt trong lao động sáng tạo.Một thời gian vật lý bình thường, một thời gian tâm lý và thời gian hữu dụng.
Khi nôn nóng kết quả, thời gian tâm lý như dài thêm ra.
Khi say vì công việc yêu thích, thời gian lại quá ít.
Dù sao, thời gian thứ 3 lại có thật: Cùng một thời gian vật lý, lại thu về được nhiều kết quả hơn. Đó là thời gian hữu dụng.
Con người khác nhau không những ở chỗ tìm ra được thời gian "thặng dư", mà còn ở việc dùng thời gian "thặng dư" vào việc gì.
[  Thời gian thặng dư = thời gian vật lý - thời gian hữu dụng (ngắn đi do sáng tạo) 

6. Ba kết quả thu được từ lao động sáng tạo 
Ngoài kết quả trực tiếp và kết quả về sự hưng phấn tinh thần, còn có một kết quả thứ 3:
Đó là những kết quả gián tiếp được sinh ra từ hành động sáng tạo.
Cái này sinh ra cái kia. "Cái kia" sinh ra nhiều thứ khác.
Kết quả của sáng tạo là "cái kia". Nếu không có "cái kia" thì nhiều thứ khác không có cơ hội được sinh.
Nếu "cái kia" là hoàn hảo hơn, thì những thế hệ sau là khác biệt.
Những điều khác biệt không phải từ bất ngờ, nhưng nó không hề được Trời Đất lập trình. NÓ - sản phẩm của con người sáng tạo.
Sáng tạo dù nhỏ cũng làm thay đổi tương lai.

7. Lao động có sáng tạo là trò chơi trốn tìm 
Trong trò chơi trốn tìm  của tuổi thơ, người ta luôn phải giấu mình. Giấu mình đi không cho người khác thấy. Trong sáng tạo, người ta còn phải giấu không cho mình được thấy chính mình.
Tìm kiếm trong sáng tạo  như trò chơi trốn tìm nhẹ nhàng. Kết quả sẽ vỡ oà ra một cách thú vị.
Giấu mình không cho mình thấy, là cần quên mình, quên mình đang nổ lực, quên mình đang sáng tạo

8. "Cái nhận" được cộng thêm giá trị 
Khi người nhận thực nhận nhiều hơn so với cái đang nhận, đó là đã được cộng thêm giá trị.

Trong cái đang nhận ẩn chứa điều kiện, từ đó chủ nhân mới có thể vận dụng để có được nhiều cái mới hơn nữa.
Người xưa đã nói: "Cho bạc cho vàng không bằng chỉ đàng làm ăn". 
"Đường làm ăn" là trên con đường đó, người ta có thể kiếm được nhiều thứ để nuôi sống mình. Nuôi mình và nuôi người khác.
Thế giới ngưỡng mộ Einstein vì Người đã tìm ra được cái thang để hậu thế leo vào vũ trụ. 
Thế giới tôn vinh Steve Jobs vì Ông đã cho con người "cách sống" mới. 
Nhiều người đã yêu mến Trịnh công Sơn, vì nhạc sĩ tài hoa đã sáng tác những điều khác biệt. Nhiều người đã "sống" bằng những giá trị đó.

Giá trị chỉ được nhân thêm khi nó ẩn chứa sáng tạo.

9. Yếu tố thẩm mỹ được nhận biết
Xấu và đẹp đều tương đối. Xấu đẹp luôn là cảm nhận của người nhìn. 
Con người luôn thích cái mới. Đồng thời, những cái khác biệt luôn có đối trọng của nó, luôn có xu hướng tìm về chiều ngược lại.
Thẩm mỹ là một phạm trù rất khó định nghĩa và khó cho  những thí dụ chuẩn mực. Trình độ cảm nhận mỗi người cũng khác. Nhưng khi con người cảm nhận được hay không, thì giá trị thẩm mỹ vẫn là vậy. Nếu cảm nhận được, giá trị thẩm mỹ tăng lên.  Tăng lên đối với người cảm thụ.
Thiên nhiên vốn đầy ắp những giá trị thẩm mỹ. Con người luôn học ở tự nhiên những nguyên tắc hài hoà.
Hài hoà là thẩm mỹ.
Đôi khi trong HÀI HOÀ  thấy ẩn chứa nhiều thứ đối nghịch. 
Tìm thấy giá trị trong các đối nghịch là hiểu sự  khác biệt.

10. Yếu tố nhân văn là đường dẫn sáng tạo

Người sáng tạo quên mình, quên mục đích vì lợi riêng thì yếu tố nhân văn tự đến.
Giá trị nhân văn hình thành khi người tiếp nhận, nhận một "cách thức" sống hiệu quả, bớt nặng nhọc hơn. Làm việc nhiều hơn nhưng thú vị hơn.
Thế giới đã luôn thay đổi cách sống.
Cách sống phù  hợp  với  Người là cách phù hợp tự nhiên. 
Cách sống phù hợp tự nhiên là hợp với Người.
Yếu tố nhân văn được hình thành ở đâu thì ở đó tồn tại cách sống  bền vững.

11. Sức khoẻ được cộng thêm
Sức khoẻ là tình trạng ổn định, cân bằng về thể xác và tinh thần.
Khi con người  không còn nhớ đến sức khoẻ, lúc ấy mọi thứ được hài hoà, cân bằng.
Thật ra, không phải sức khoẻ luôn ổn định mà luôn được cộng thêm từng giây từng phút.
Sự cộng thêm đó được thể hiện mà con người không hay biết.
Sự cộng thêm như là tự nhiên, nếu không thì ngã.
Trong lao động sáng tạo , khi con người hạnh phúc, lúc đó tồn tại, lúc đó sức khoẻ về tinh thần và thể xác được thêm.

12. Một cách tự vệ tốt nhất
Không phải là tự vệ khi người ta chống trả.
Khi chống trả thì sẽ có khả năng tổn thất dù ít dù nhiều. Nếu tổn thất dù ít, khi ấy sự tự vệ không hiệu quả.
Đi tìm sự tự vệ hiệu quả nhất là vô hiệu hoá mọi sự tấn công. Không để sự tấn công xảy ra, sẽ không có công việc tự vệ.
Nương theo cuộc sống, luôn tìm các phù hợp nhất, luôn tìm giải pháp hiệu quả nhất sẽ giảm đi sự đối kháng. " Cái luôn tìm" là cái sáng tạo.
Luôn sáng tạo là cách tự vệ tốt nhất.

13. Sống sáng tạo là sống hạnh phúc
Con người luôn đi tìm hạnh phúc vì chưa sở hữu được nó.
Con người luôn cảm thấy khó chịu, vì sự khó chịu luôn được nắm giữ.
Có người khuyên là không nắm giữ điều gì, thì có khả năng thu nhận mọi thứ.
Có phải nếu buông ra thì được tự do, thì được cơ hội.
Có phải buông để nhận?
Buông mà không thu gì - chắc là sẽ thú vị hơn.
Sáng tạo là công việc vui thú, tự nhiên.
Không quan tâm đến việc nhận lấy - đó là hạnh phúc. 

Làm việc luôn sáng tạo là luôn không nắm giữ, luôn tìm về phía trước.  Hạnh phúc đến và không nắm giữ nên không mất. 
Yêu mình, yêu người có phải xuất phát từ đây.
Yêu mình, yêu người có phải từ việc không vì mình, không vì người.
Yêu người có phải vì không quan tâm đến điều đó nữa !!!

nguyentuonglinh
5/11/2011